Tin trong ngành
Để điện đi trước một bước

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã từng khẳng định: Trong giai đoạn 2011-2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với chất lượng ngày càng cao. Hệ thống điện có dự phòng và điện đã thực sự đi trước một bước. 
 


Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Như vậy, đến hết năm 2014, tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam là 33.964 MW và có dự phòng trên 20%. 
 
*Tập trung nguồn lực vào đầu tư 
 
Có thể nói, để đáp ứng nhu cầu điện cả nước, đặc biệt là khu vực miền Nam đến năm 2020, trong 5 năm qua, EVN đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các nhà máy điện, lưới điện theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia và Quy hoạch điện lực của các địa phương với tổng nguồn vốn 479.620 tỷ đồng, gấp 2,37 lần so với giai đoạn 2006-2010. Từ đó, hệ thống điện quốc gia liên tục mở  rộng phạm vi và qui mô, đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao về nhu cầu điện của đất nước. Dự kiến, năm 2015, nếu đạt kế hoạch điện thương phẩm 141,8 tỷ kWh thì tính chung cả giai đoạn 5 năm gần đây, tăng trưởng điện thương phẩm bình quân cả nước sẽ đạt mức 10,4%/năm.
 
Ông Đặng Hoàng An, Tổng Giám đốc EVN cho biết, giai đoạn 2011-2015, Tập đoàn đưa vào vận hành 34 tổ máy với tổng công suất: 9.852MW, tăng 25% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Cùng đó, khởi công 10 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.629 MW. Nhờ vậy, các dự án nguồn điện cấp bách cung cấp cho miền Nam đảm bảo tiến độ. Tập đoàn cũng tích cực chuẩn bị đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; trong đó, dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đang trong quá trình thẩm tra phê duyệt.
 
Song song với nguồn điện, EVN còn hoàn thành 865 công trình lưới điện từ 110-500kV với tổng chiều dài đường dây trên 13.360km, tổng công suất các trạm biến áp gần 61.000 MVA, đảm bảo đấu nối, truyền tải công suất phát các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải toàn hệ thống điện. Từ đó, khép kín mạch vòng 500kV tại khu kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Nam và kết nối ở cấp điện áp 500kV lưới điện Đông Nam bộ với Tây Nam bộ. 
 
*Lấy thi đua làm động lực phát triển 
 

Thủy điện Sơn La trong ngày khánh thành. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Thực hiện Chỉ thị số 725/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, 5 năm qua, EVN đã phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi với các hình thức phong phú nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Ngoài các phong trào thi đua chung, thi đua theo chủ đề từng năm, các đơn vị thành viên đã đẩy mạnh phong trào thi đua theo chuyên đề, theo đợt. Tổng Giám đốc EVN nhận xét, nhiều phong trào thi đua nâng cao năng suất lao động, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm…đã và đang được triển khai hiệu quả.
 
Tiêu biểu như phong trào thi đua “Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng”, “Phòng giao dịch khách hàng kiểu mẫu”, “Thực hiện Chương trình tiết kiệm điện”, “Tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán lẻ đến hộ nông thôn”, “Triển khai áp dụng hóa đơn điện tử”… trong Khối các Tổng công ty Điện lực. 
 
Ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cho biết, các Công ty truyền tải có các phong trào “Trạm biến áp kiểu mẫu”, “Đường dây kiểu mẫu”, “Xây dựng trạm đường dây tiêu biểu”, “Cải tạo và nâng cấp lưới truyền tải”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” . Đối với các Ban quản lý dự án là phong trào “Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm cấp bách và công trình đồng bộ nguồn điện”…
 
Trong khi Khối Tổng công ty Phát điện có các phong trào thi đua “Vận hành an toàn sản xuất điện các nhà máy”, “Quản lý tiến độ xây dựng các dự án nguồn điện”… thì Khối các Công ty Thủy điện có các phong trào “Chống lũ thắng lợi, phát điện sản lượng cao”, “Ca vận hành an toàn, kinh tế”, “Tối ưu hóa chi phí, thực hành tiết kiệm”… Riêng  Khối các Công ty cơ khí tiếp tục thi đua phát huy vai trò tự lực, làm chủ trong sửa chữa và chế tạo các thiết bị điện, tăng tính cạnh tranh sản phẩm trong cơ chế thị trường. Ngoài ra, các phong trào thi đua"Gắn biển công trình", "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm"… trong Khối các Công ty Tư vấn Xây dựng điện và Ban Quản lý dự án được phát động và duy trì nhiều năm đem lại hiệu quả cao. 
 
Đặc biệt, các phong trào thi đua liên kết nhằm đẩy nhanh tiến độ được phát triển rộng khắp ở nhiều công trình trọng điểm, trở thành động lực quan trọng đóng góp vào sự thành công của các công trình xây dựng điện, đem lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội cho đất nước. Đơn cử như phong trào thi đua liên kết trên công trình thủy điện Sơn La là kết quả của một quá trình phấn đấu gần 3000 ngày đêm không nghỉ của hàng chục ngàn cán bộ, công nhân viên thuộc 10 đơn vị trong các Tổng công ty mạnh của cả nước. Hưởng ứng phong trào thi đua do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động với mục tiêu xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu đảm bảo chất lượng, an toàn, tiết kiệm và vượt tiến độ, hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường xây dựng không quản ngại thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng cao độ, mưa gió thất thường vẫn miệt mài hăng say thi đua lao động, sản xuất, bám máy, bám công trường. Các chiến dịch thi đua nước rút nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình như "105 ngày đêm đạt 1 triệu m3 bê tông đầm lăn", "41 ngày đêm hoàn thành hạng mục công trình xả lũ", "300 ngày đêm hoàn thành các mục tiêu tiến độ 2014"…đã và đang tạo không khí hăng hái thi đua lao động sản xuất phấn đấu hoàn thành công trình vượt tiến độ đề ra.
 
Đáng chú ý là phong trào thi đua liên kết xây dựng Đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông, dự án trọng điểm của ngành điện. “Việc hoàn thành công trình đã mang lại ý nghĩa to lớn trong việc đáp ứng nhu cầu cấp bách truyền tải công suất các nhà máy điện khu vực Tây Nguyên vào hệ thống điện quốc gia, tăng cường khả năng cung cấp điện đầy đủ cho khu vực miền Nam và hình thành mối liên kết lưới điện truyền tải 220kV giữa hệ thống điện Tây Nguyên và miền Nam từ nay đến sau năm 2020”, ông Đặng Phan Tường nhận xét. 
 
Không những vậy, 5 năm qua, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Tập đoàn đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng cung cấp điện cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là khu vực biên giới, hải đảo, đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc, Tây Nam bộ và Tây Nguyên. Các Tổng công ty Điện lực, các Công ty Điện lực thi đua, phấn đấu hoàn thành Chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp để bán điện trực tiếp đến hộ tiêu thụ điện ở nông thôn. Đây là phong trào thi đua triển khai rộng khắp trên phạm vi toàn quốc, tác động tích cực đến lợi ích cho người dân nông thôn, đem lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội. Trong các năm tới, EVN tiếp tục đầu tư gần 29.000 tỷ đồng thực hiện Chương trình đưa điện về nông thôn theo Quyết định 2081/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để đến năm 2020 đạt mục tiêu hầu hết số hộ dân nông thôn có điện. 
 
*Tiếp tục vận hành an toàn và ổn định hệ thống điện
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Trong 5 năm tới (2016-2020), theo Tổng Giám đốc Đặng Hoàng An, nhiệm vụ của EVN là tiếp tục giữ vững vai trò điều hành hệ thống điện quốc gia, vận hành an toàn và ổn định hệ thống điện trong thị trường phát điện cạnh tranh. Đồng thời, khai thác tối ưu đối với các nguồn nhiên liệu, đặc biệt nguồn thủy điện, nhiên liệu khí, nguồn than trong nước; đưa các nhà máy điện mới vào khai thác đúng tiến độ. Chủ động đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện, đặc biệt là vấn đề cung cấp than. 
 
Tập đoàn cũng thực hiện Chương trình giảm tỷ lệ tổn thất điện năng giai đoạn  2016 – 2020 với việc áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý với các biện pháp kỹ thuật. Trong các dự án đầu tư lưới điện theo tiêu chuẩn N-1 được triển khai trong các năm tới sẽ áp dụng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tiên tiến của lưới điện để lựa chọn thiết bị có hiệu suất cao, tổn thất thấp. Đồng thời tham gia xây dựng và đề xuất các chính sách khuyến khích tiết kiệm điện, nâng cao hiệu suất sử dụng điện, bao gồm: Chính sách giá năng lượng; Nghiên cứu và áp dụng giá bán điện theo hai thành phần (công suất, điện năng) và theo cấp điện áp, theo mùa; Chính sách đầu tư cho năng lượng nói chung và cho phát triển điện lực nói riêng. 
 
Riêng đối với đầu tư, EVN tập trung chỉ đạo thực hiện các dự án, công trình nguồn và lưới điện trong Quy hoạch Điện VII được Chính phủ giao, đảm bảo chất lượng và hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra. Mặt khác, chủ động rà soát Quy hoạch phát triển Điện lực của các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương để có những điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế. Từ đó sẵn sàng các phương án, giải pháp để đầu tư bổ sung các dự án điện cấp bách đáp ứng các nhu cầu điện mới của các nhà đầu tư.
 
Một trong những giải pháp cơ bản được EVN chú trọng thực hiện trong thời gian tới là đa dạng các hình thức huy động các nguồn vốn trong nước và quốc tế để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho đầu tư nguồn và lưới điện. Theo đó, Tập đoàn tính toán nhu cầu vốn theo các dự án, chương trình đầu tư để làm việc với các Ngân hàng thương mại trong nước; Tăng cường hợp tác, thuyết phục các tổ chức tài chính quốc tế để vay vốn ODA và vốn ưu đãi nước ngoài. Cùng với đó, tranh thủ nguồn vốn tín dụng hỗ trợ xuất khẩu của nước ngoài thông qua đấu thầu cung cấp thiết bị hoặc đấu thầu EPC; huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu trong nước và phát hành trái phiếu quốc tế.
 
Ngoài ra, Tập đoàn tiếp tục duy trì các phong trào thi đua trong từng Khối,  tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua ”Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và phong trào thi đua liên kết “Xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu” do Thủ tướng Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phát động....
 
Mai Phương/Icon.com.vn
 
 
 

Xem tin khác [Quay lại]
Thư viện hình ảnh
Văn phòng công ty
Bộ phận sản xuât
Kho cáp bọc
Hình ảnh nhà kho cáp nhôm
Hình ảnh nhà xưởng
Đối tác - Khách hàng

 

 

 

 



Thông tin hữu ích
Liên kết trang Tỷ giá ngoại tệ
(Nguồn: EXIMBANK) Thông tin thời tiết
Ảnh đẹp Hà Nội
Tháp rùa Hồ Gươm
Chùa Trấn Quốc
Hoa lộc vừng Hồ Gươm
Quốc tử giám