Tin trong ngành
Tập trung đầu tư phát triển năng lượng điện

 

Nhu cầu tiêu thụ điện trong cả nước đang có xu hướng tăng cao, nhất là khu vực kinh tế trọng điểm phía nam. 


Ảnh: Nguyễn Đắc Cường.
 
Việc cấp bách đầu tư các nguồn và lưới điện là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) - doanh nghiệp nhà nước chủ đạo trong bảo đảm cung ứng điện phát triển kinh tế - xã hội. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016 - 2030 cần nguồn vốn khoảng 148 tỷ USD, trong đó giai đoạn 2021 - 2030 cần 10,8 tỷ USD/năm. Ðây là khó khăn, thách thức rất lớn trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực của EVN.
 
Thách thức lớn
 
Hiện nay, tổng công suất nguồn điện của EVN và các đơn vị thành viên đạt khoảng 28.175 MW, chiếm gần 62% công suất đặt của toàn hệ thống (45.700 MW); sản lượng điện năm 2017 đạt 198,3 tỷ kW giờ, tăng 8,92% so năm 2016. Năm 2017, EVN đã đưa vào vận hành chín tổ máy với tổng công suất 2.135 MW, trong đó đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện (NMNÐ) Vĩnh Tân 4, công suất 1.200 MW đúng tiến độ, góp phần quan trọng bảo đảm cung ứng điện cho miền nam. Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, để bảo đảm mức tăng trưởng cao trong giai đoạn tới, cần phải đầu tư khoảng 5 đến 7 tỷ USD/năm cho ngành năng lượng. Dự báo nhu cầu tiêu thụ điện năm 2020 có thể gấp 1,5 lần hiện nay, trong khi đó thủy điện đã đến ngưỡng, không thể tiếp tục phát triển. Trong cơ cấu nguồn điện hiện nay, thủy điện chiếm khoảng 40% nhưng tỷ lệ này sẽ ngày càng giảm, do đó, bắt buộc phải phát triển các nguồn điện thay thế. Tuy nhiên, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) chưa thể triển khai trên quy mô lớn do chi phí quá cao, suất đầu tư lớn so với loại hình phát điện truyền thống. Hơn nữa, để bảo đảm duy trì đủ cấp điện cho phụ tải tiêu thụ điện từ nguồn NLTT, phải có công suất dự phòng tương đương (thủy điện, nhiệt điện,...) rất lãng phí, để bù những lúc nguồn NLTT không thể phát điện, trong khi ngân sách đầu tư hiện nay rất eo hẹp. Việc vay vốn có bảo lãnh Chính phủ để đầu tư bị hạn chế do góp phần làm tăng trần nợ công. Nhiệt điện, nhất là nhiệt điện chạy than, chạy khí vẫn là nguồn điện chủ lực trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và có thể trong những năm tiếp theo. Theo EVN, nguồn tài chính để đầu tư đồng bộ nguồn và lưới điện rất lớn. Giai đoạn 2016 - 2030 cần khoảng 148 tỷ USD, riêng giai đoạn 2021 - 2030 cần 10,8 tỷ USD/năm.
 
Trong khi đó, công tác chuẩn bị đầu tư dự án điện bị chi phối bởi nhiều luật và nghị định, thông tư,... dẫn đến khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện. Việc bố trí quỹ đất và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng lớn tiến độ triển khai các dự án điện. Ngoài ra, sức ép đối với ngành điện còn đến từ sự mất cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu sử dụng của từng vùng. Trong khi miền nam sử dụng hơn một nửa tổng nhu cầu điện năng của cả nước thì nguồn điện hiện nay lại tập trung chủ yếu ở miền bắc (hơn một nửa), miền nam chỉ có thể tự sản xuất dưới 40%. Do đó, tình trạng thiếu điện cục bộ hiện cũng là bài toán khó đối với ngành.
 
Theo lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia EVNNPT), năm 2017, hệ thống vẫn bảo đảm đủ điện cho miền nam thông qua các nhà máy nội miền và sản lượng điện truyền tải từ miền bắc vào. Tuy nhiên, việc cấp điện vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro xảy ra các sự cố như đường dây luôn phải mang tải cao, vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp,... Năm 2018, thiếu điện ở phía nam là nguy cơ hiện hữu nếu các nhà máy điện đang đầu tư không về đích đúng tiến độ, cũng như các dự án lưới điện không được bàn giao kịp thời mặt bằng để thi công. Phát triển nguồn điện còn gặp khó khăn do cần kinh phí rất lớn, trong khi năng lực của các nhà đầu tư còn hạn chế. Việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng, vốn nước ngoài theo hình thức ODA, vay ưu đãi có bảo lãnh của Chính phủ cũng gặp nhiều khó khăn, buộc EVN phải tìm nguồn vay thương mại với lãi suất cao. Một thách thức đối với ngành điện là vừa phải phát triển các dự án nhiệt điện nhưng phải bảo đảm môi trường.
 
Cần giải pháp đồng bộ trong đầu tư
 

Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Theo chỉ đạo của Chính phủ, EVN đã tập trung mọi nguồn lực, huy động các nguồn trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 720.576 tỷ đồng; trong đó, nhu cầu vốn đầu tư thuần là 505.510 tỷ đồng. Mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm (2016 - 2020) của EVN. Theo đó, Tập đoàn có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 10,08%/năm; chuẩn bị phương án để có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng cao hơn. Giai đoạn 2016 - 2020, phải đưa vào vận hành 21 tổ máy thuộc 12 dự án nguồn điện với tổng công suất 6.100 MW, trong đó có các dự án trọng điểm như: Thủy điện Lai Châu (đã đưa vào vận hành năm 2016); các dự án NMNÐ Duyên Hải III, Duyên Hải III mở rộng, Vĩnh Tân IV, Vĩnh Tân IV mở rộng và Thái Bình I. Ngoài ra, khởi công xây dựng tám công trình nguồn điện với tổng công suất 5.540 MW như NMNÐ Ô Môn IV, Quảng Trạch I - II; đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng NMNÐ Tân Phước I; khởi công xây dựng các dự án nhà máy điện mặt trời được phê duyệt bổ sung quy hoạch.
 
Ðối với kế hoạch phát triển lưới điện truyền tải, EVN sẽ phải đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành khoảng 300 công trình lưới điện 500 kV, 220 kV với tổng chiều dài 12.200 km đường dây và tổng dung lượng trạm biến áp khoảng 66 nghìn MVA. Ðầu tư xây dựng các công trình lưới điện, khắc phục tình trạng quá tải, nghẽn mạch, cải thiện chất lượng điện áp và đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 hệ thống lưới điện truyền tải từ 220 kV trở lên trên toàn quốc và lưới điện 110 kV tại các thành phố lớn đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1 để bảo đảm cung ứng điện. Ðồng thời, nghiên cứu đầu tư lưới điện liên kết các nước trong khu vực, tăng cường nhập khẩu điện từ Lào, Cam-pu-chia và Trung Quốc; đầu tư xây dựng lưới điện 110 kV, lưới điện trung, hạ áp từ cấp điện áp 35 kV xuống đến 0,4 kV bảo đảm năng lực phân phối điện, độ tin cậy và chất lượng điện năng.
 
Ðể hoàn thành mục tiêu trên, trước hết, EVN phải sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ODA và các nguồn vốn vay nước ngoài, có kế hoạch giải ngân nguồn vốn vay ODA theo tiến độ đã ký trong hiệp định vay vốn. Ða dạng các hình thức huy động nguồn vốn trong nước và quốc tế để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho đầu tư nguồn và lưới điện; chủ động hợp tác, đề xuất với các tổ chức tài chính quốc tế để vay vốn ODA và vốn ưu đãi. Tìm kiếm nguồn vốn tín dụng hỗ trợ xuất khẩu của nước ngoài thông qua việc đấu thầu cung cấp thiết bị hoặc đấu thầu EPC; huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu trong nước và phát hành trái phiếu quốc tế. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện di dân, tái định cư các công trình nguồn điện và các chương trình mục tiêu cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo. Thực hiện các giải pháp phù hợp với Ðề án sắp xếp, tái cơ cấu EVN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) nghiên cứu phát hành trái phiếu EVN ra thị trường quốc tế hoặc vay nước ngoài có bảo lãnh một phần của WB và đồng bảo lãnh một phần (15 đến 20% giá trị khoản vay, trái phiếu) của Bộ Tài chính.
 
EVN đang đặt mục tiêu đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Chính phủ giao, bảo đảm chất lượng và tiến độ; chủ động rà soát Quy hoạch phát triển điện lực của các địa phương để có những điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế. Sắp xếp, nâng cao năng lực của các Ban Quản lý dự án; điều hành quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện của các nhà thầu; kiểm soát chặt chẽ tiến độ và giám sát chất lượng công trình; kịp thời nghiên cứu đề xuất Thủ tướng và các bộ, ngành giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để bảo đảm chất lượng, tiến độ theo tình hình thực tế của từng dự án. Các địa phương cần tích cực phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho EVN trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án điện. EVN sẽ tiếp tục phát triển nguồn điện NLTT. Hiện EVN và các đơn vị thành viên đang triển khai và chuẩn bị đầu tư 23 dự án điện mặt trời, tổng công suất khoảng 3.100 MW. Hiện nay, EVN đã xác định địa điểm và lập quy hoạch bốn dự án điện mặt trời, tổng công suất khoảng 575 MW; đang nghiên cứu phát triển bốn dự án điện gió với tổng công suất khoảng 570 MW,… Lĩnh vực NLTT (trừ thủy điện nhỏ) mới quy hoạch về quy mô theo từng vùng, miền, chưa xác định địa điểm dự án, do vậy còn khó khăn trong việc quy hoạch và phát triển đồng bộ lưới điện. Với đặc điểm các nguồn điện gió, điện mặt trời có công suất phát không ổn định, thay đổi theo cường độ gió, cường độ bức xạ mặt trời, cho nên khi phát triển với quy mô, công suất lớn cần có các nguồn điện dự phòng thay thế và các giải pháp để bảo đảm vận hành an toàn, ổn định hệ thống. Do đó, EVN kiến nghị cần sớm lập, phê duyệt các quy hoạch về phát triển nguồn điện NLTT cấp tỉnh, cấp quốc gia. Các dự án NLTT phải được quy hoạch bảo đảm sự phát triển đồng bộ giữa nguồn và lưới điện, bảo đảm khả năng vận hành an toàn, kinh tế của hệ thống điện. Ngoài ra, hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, các tiêu chuẩn chuyên ngành liên quan công tác thiết kế, vận hành nguồn điện NLTT, có chính sách ưu đãi, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển NLTT,...
Bảo Thanh/Icon.com.vn
Xem tin khác [Quay lại]
Thư viện hình ảnh
Văn phòng công ty
Bộ phận sản xuât
Kho cáp bọc
Hình ảnh nhà kho cáp nhôm
Hình ảnh nhà xưởng
Đối tác - Khách hàng

 

 

 

 



Thông tin hữu ích
Liên kết trang Tỷ giá ngoại tệ
(Nguồn: EXIMBANK) Thông tin thời tiết
Ảnh đẹp Hà Nội
Tháp rùa Hồ Gươm
Chùa Trấn Quốc
Hoa lộc vừng Hồ Gươm
Quốc tử giám