Vinashin lỗ, nợ nhiều hơn báo cáo
Diễn ra trong giai đoạn tháng 7-11/2010, đợt thanh tra Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) do Thanh tra Chính phủ thực hiện được kỳ vọng là đợt “tổng khám” toàn diện nhất từ trước đến nay đối với sức khỏe tài chính cũng như năng lực hoạt động của doanh nghiệp này.
Theo kết quả vừa được cơ quan thanh tra báo cáo Thủ tướng, tình hình tài sản, kết quả sản xuất kinh doanh và bảo toàn vốn tại Vinashin rất đáng quan ngại. Cụ thể, tổng giá trị tài sản - nguồn vốn của Tập đoàn, tính tới cuối năm 2009, đạt hơn 102.500 tỷ đồng. Nếu loại trừ các công nợ nội bộ thì con số này còn lại gần 92.600 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ phải trả của tập đoàn, cũng tính đến thời điểm nói trên đã lên tới hơn 86.700 tỷ đồng.
Riêng trong năm 2009, Vinashin thực lỗ gần 5.000 tỷ đồng, nhiều hơn 3.300 tỷ so với báo cáo tài chính của Tập đoàn (theo đó, doanh nghiệp chỉ lỗ gần 1.700 tỷ đồng). Theo Thanh tra Chính phủ, bản báo cáo của Vinashin (được thực hiện bởi Công ty Kiểm toán KPMG) chưa phản ánh chính xác về nguồn vốn, tài sản của Vinashin do không ghi nhận một số yếu tố chi phí phát sinh và chênh lệch tỷ giá trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, cơ quan thành tra cũng lưu ý đến khoản tiền gần 2.800 tỷ đồng có thể chuyển thành lỗ bất cứ lúc nào do Vinashin không xác định được đối tượng thu nợ hoặc phải chi các khoản phạt do vi phạm hợp đồng…
|
Việc đầu tư của Vinashin được đánh giá là tùy tiện, buông lỏng. Ảnh minh họa: Eplegal |
Do những kết quả nêu trên, tính đến cuối năm 2009, Vinashin đã không còn bảo toàn được vốn Nhà nước giao, để thâm hụt gần 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Theo Thanh tra Chính phủ, những thiệt hại nó trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, đáng chú ý là quá trình xây dựng thể chế - hệ thống thành viên Tập đoàn cũng như việc huy động - quản lý và sử dụng vốn.
Cơ quan thanh tra cho rằng Hội đồng quản trị Công ty mẹ Vinashin đã hoạt động thiếu trách nhiệm: Doanh nghiệp hoạt động theo mô hình mới nhưng vẫn giữ điều lệ, quy chế tài chính cũ, để Chủ tịch kiêm nhiệm vị trí Tổng giám đốc trong nhiều năm… Trong thời gian ngăn, Vinashin cũng thành lập, sáp nhập thêm hơn 200 doanh nghiệp con, trong đó có hàng loạt doanh nghiệp ngoài ngành, dẫn đến sự phức tạp, lỏng lẻo trong quản lý, dàn trải về đầu tư.
Vinashin cũng được xem là một điển hình trong việc huy động, quản lý và sử dụng vốn bừa bãi. Tính đến giữa năm 2010, tổng vốn vay ngắn - dài hạn của Tập đoàn lên tới hơn 72.000 tỷ đồng. Đây là kết quả của các đợt huy động ồ ạt từ nhiều nguồn khác nhau trong 5 năm trước đó.
Có được số vốn như vậy nhưng việc quản lý và sử dụng của Vinashin lại tỏ ra tuy tiện: Mua tàu biển cũ không theo quy định và chỉ đạo của Thủ tướng, gây lãng phí, mất vốn. Đầu tư dàn trải, ra ngoài ngành, dẫn đến không đủ năng lực tài chính cho ngành kinh doanh chính, vi phạm liên tiếp nhiều hợp đồng với khách hàng và phải chịu thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng.
Một sai phạm nghiêm trọng khác cũng được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại Vinashin là trong vòng 5 năm, hoạt động chủ yếu của Công ty mẹ là huy động vốn cho các đơn vị vay lại và hưởng lãi. Thực chất, đây là hoạt động cấp tín dụng trái pháp luật, cùng với những vi phạm về quan hệ hợp đồng, quản lý nợ… dẫn tới không quản lý được dòng tiền, mất khả năng thanh toán nợ đến hạn.
|
Do không đủ năng lực tài chính, nhiều hợp đồng đóng tàu của Vinashin bị hủy, gây thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa: AFP |
Theo Thanh tra, để dẫn tới tính trạng trên, có trách nhiệm của rất nhiều cá nhân, cơ quan, đơn vị… trong đó, nổi lên là những sai phạm, buông lỏng quản lý của lãnh đạo Vinashin. Cơ quan Thanh tra đã chỉ ra 16 cá nhân trong Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc của Tập đoàn giai đoạn 2006 - 2010. Trong đó, sai phạm nặng nhất thuộc về nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị - Tổng giám đốc điều hành Phạm Thanh Bình.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, để xảy ra sai phạm tại Vinashin, không thể không nhắc tới trách nhiệm của các cơ quan quản lý như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ… do thiếu kiên quyết và chậm đưa ra các giải pháp hiệu quả để xử lý những tồn tại của Tập đoàn.
Cơ quan thanh tra đề xuất Chính phủ và các cơ quan chức năng tiếp tục thúc đẩy việc xử lý các vi phạm tại Vinashin, thu hồi nợ và tiến hành các biện pháp xử lý kinh tế khác.
Về xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ đề nghị bộ máy lãnh đạo hiện tại của Vinashin và các đơn vị tiếp nhận tiếp tục chỉ đạo kiểm điểm, xử lý các tập thể cá nhân có sai phạm. Riêng các vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu phạm pháp, Thanh tra Chính phủ sẽ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để tiếp tục xử lý.
Cơ quan thanh tra cũng tiếp tục kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu tại Vinashin, nhanh chóng tổng kết việc thí điểm thành lập các Tập đoàn kinh tế Nhà nước, từ đó, rút ra bài học và giải pháp để tránh những sai lầm như Vinashin lặp lại trong tương lai.
Nhật Minh