Tin trong ngành
Lính áo cam trần mình dưới nắng nóng

 

Đằng sau màu áo cam của người công nhân ngành điện là những câu chuyện giản dị về lòng yêu nghề dù còn nhiều vất vả, khó khăn.

 
Trưa, ai cũng đi tránh nắng, chỉ riêng thợ điện vẫn phải lao ra đường
 
Đưa tay quệt đám mồ hôi ướt đẫm trên mặt, anh Tô Sỹ Sơn, công nhân đội Quản lý điện 1, Công ty Điện lực Nam Từ Liêm (Hà Nội) cẩn thận bước từng bậc, leo trên chiếc thang dựa vào cây cột điện. Vượt qua nấc thang cuối cùng, Sơn ôm cột, thoăn thoắt trườn mình lên tới đỉnh. Trưa nay, Sơn và đồng đội bằng mọi giá phải thực hiện xong nhiệm vụ cuối cùng là nối đoạn dây gặp sự cố. Với Tô Sỹ Sơn, leo cột điện, luồn lách giữa đám dây chằng chịt là công việc đã quá quen thuộc suốt nhiều năm qua. Trong đó, một thao tác quan trọng mà những người công nhân điện lực như anh không bao giờ được phép quên là cột đai an toàn.
 
Giữa trưa hè, cách chỗ Sơn làm việc không xa, những người thợ khác vẫn đang miệt mài kéo dây hỏng, bó lại cho gọn. Khuôn mặt ai cũng nhễ nhại mồ hôi, đỏ gay gắt. Họ cảm nhận rõ rệt cái khắc nghiệt của thời tiết, khi phải phơi mình gần như cả ngày ở ngoài đường dưới cái nóng gay gắt. “Nghề của mình khá đặc biệt. Cứ nắng nóng hay mưa bão là có mặt trên đường như thế này”, Sơn tâm sự.
 
Như đợt nóng kỷ lục của Hà Nội cách đây 2 tháng, thành phố ghi nhận tổng sản lượng điện tiêu thụ tăng cao chưa từng có trong lịch sử, với sản lượng vượt mốc 77,075 triệu kWh. Sơn và nhiều anh em trong Công ty Điện lực Nam Từ Liêm ngày nào cũng phơi mình ngoài trời hơn 40 độ C, để khắc phục sự cố. Giám đốc Lã Thị Thu Yến, chia sẻ, tình trạng quá tải điện mùa nắng nóng có thể gây ra sự cố nhảy aptomat, cháy nổ, đứt dây nên anh em trong công ty luôn sẵn sàng trong tâm thế trực chiến, gọi là lên đường.
 
Ngày dãi nắng, đêm đi tuần
 

 
Không chỉ làm ngày, trong đợt cao điểm như hiện nay, đội ngũ công nhân điện lực được huy động cả vào đêm. Nếu như trưa nắng, công nhân phải đối mặt với thời tiết, đêm thực ra mới là những giờ phút căng thẳng nhất.
 
Anh Đinh Văn Tiến, Đội trưởng Đội quản lý Điện 2 hầu như đêm nào cũng dẫn các công nhân đi tuần để kiểm tra từng điểm xem ở đâu sắp quá tải, từ đó phân bố san tải để tránh sự cố. “Đợt nóng đầu tháng 6 vừa rồi, có hôm suốt đêm chúng tôi vừa giải quyết sự cố nhảy aptomat ở chỗ này chưa xong, lại nhận được tin trên địa bàn nơi khác cũng đang vừa mất điện. Anh em ai đều bảo nhau cố gắng làm hết mình, lường trước những sự cố nguy hiểm đến tính mạng như cháy nổ, điện giật, phóng điện. Tất cả cùng một lòng phải nhanh chóng xử lý dứt điểm sự cố vì mất điện đêm, người dân mất ngủ, khổ nhất là trẻ con và người già”, anh Tiến kể.
 
Theo quy định của ngành điện, mỗi khi nhiệt độ trên 35 độ C, các cơ sở phải tổ chức ứng trực để đề phòng sự cố. Khi nhiệt độ cao nhất trong ngày lên đến hơn 40 độ C như hiện nay, các điện lực địa phương đều tổ chức ứng trực 24/24, nhiều bộ phận tăng ca 100% so với ngày thường. Mùa nắng nóng, cao điểm tiêu thụ điện diễn ra từ 21h đến 0h, trong đó nặng nhất từ 22h đến 23h vì các hộ gia đình tăng cường sử dụng điều hòa, quạt điện, máy làm mát… Do đó, sự cố điện thường có khả năng xảy ra nhất vào giữa đêm. 
 
Không chỉ ngoài hiện trường, tại phòng điều độ, nơi tiếp nhận cuộc gọi báo sự cố của khách hàng, luôn nhộn nhịp người ra người vào buổi đêm. Sau khi nhận cuộc gọi, điều độ viên sẽ điều phối các nhóm tiếp cận hiện trường để xử lý. Trong khi các gia đình ngủ say, công nhân điện vẫn luôn trong trạng thái sẵn sàng hành động. Đội 2 của anh Tiến cũng như hàng trăm đội khác thuộc Điện lực vào mùa cao điểm nắng nóng, nhân viên hầu hết không về nhà mà ăn, ngủ nghỉ ngay tại cơ quan. Khối kỹ sư, văn phòng cũng tăng ca vì khối lượng công việc tăng cao. “Chúng tôi cũng đề nghị công nhân không về nhà vì lý do an toàn. Sau hàng chục tiếng làm việc liên tục, tình trạng thiếu ngủ có thể khiến họ không tỉnh táo trên đường về nhà”, giám đốc Lã Thị Thu Yến chia sẻ.
 
Nghề đối mặt với những cái đầu nóng
 

 
Đối với người dân, không có gì khiến họ dễ “nổi cáu” hơn lúc trời nắng nóng đỉnh điểm mà lại bị mất điện, không thể chạy các thiết bị làm mát.
 
Phải đối mặt với những “cái đầu nóng” nhiều nhất chính là điều độ viên, người làm nhiệm vụ tiếp nhận cuộc gọi của khách hàng. Nếu như áp lực của công nhân ngoài địa bàn là đối mặt với thời tiết, thì ở đây, áp lực của họ chính là những cuộc gọi đến “cháy máy” của khách hàng đang bức xúc, khi điều phối công việc.
 
Có mặt tại phòng Điều độ của Điện lực Nam Từ Liêm lúc 10h30 tối, tôi chứng kiến năm chiếc điện thoại bàn trước mặt anh Nguyễn Công An, Phó Phòng Điều độ liên tục thay nhau đổ chuông. Hầu hết cuộc gọi là để thông báo sự cố. Trong đó, nhiều khách hàng cùng gọi để báo về một sự cố ở cùng địa điểm. Có không ít người gọi đi gọi lại để hỏi sắp giải quyết xong chưa. “Alo, Điện lực Nam Từ Liêm xin nghe. Vậy hả chị. Mất từ lúc nào ạ? Vâng xin chị cứ bình tĩnh. Chúng tôi sẽ bảo anh em đến kiểm tra ngay”. Sau cuộc gọi, anh cẩn thận gác máy tránh gây ra tiếng động lớn để đầu dây bên kia không hiểu nhầm, rồi bấm di động gọi tốp trực đến kiểm tra địa chỉ mà người dân vừa báo.
 
“Nhiều khách hàng không giữ được bình tĩnh, họ nặng lời với mình. Đặt mình vào vị trí khách hàng sẽ hiểu cảm giác của họ, nên dù có thế nào mình vẫn phải niềm nở”, anh Nguyễn Công An cười nhẹ chia sẻ sau cuộc gọi.
 
Tương tự, anh Lê Hoàn, Đội trưởng Đội 1, công ty Điện lực Nam Từ Liêm cũng kể có không ít lần khi đi sửa chữa sự cố, người dân không giữ được bình tĩnh đã to tiếng với anh em công nhân. “Khi mất điện lúc nào các hộ dân cũng rất bức xúc, nhưng khi chúng tôi rời đi, có người vẫn ra cảm ơn”, anh kể.
 
Màu áo cam bình dị giữa đời thường
 
“Để gắn bó được đến ngày hôm nay, nếu không yêu nghề chắc tôi nghỉ từ lâu rồi. Với người khác, đây là một màu áo rất bình thường, nhưng với chúng tôi, đó là sự hy sinh”.
 
Đó là những chia sẻ chân thật từ anh Đinh Văn Tiến từ đội quản lý Điện 2. Năm nay 47 tuổi, với thâm niên 23 năm trong nghề, anh đã có hàng nghìn lần đi túc trực địa bàn như hôm nay, không ít hôm làm việc không nghỉ từ tối đến sáng.
 
Không chỉ là những nỗi vất vả, nghề điện còn đi kèm nhiều hiểm nguy tiềm ẩn mà bất cứ ai trước khi vào nghề cũng phải thuộc nằm lòng câu nói: “Điện là ngành đặc thù không được phép sai, vì khi sai là không thể sửa sai được”.
 
Anh Đinh Văn Tiến cho biết, sự cố ngành điện rất đa dạng, nguy hiểm nhất là khi đang giải quyết sự cố bên dưới nhưng phía trên lại xuất hiện sự cố, gọi là sự cố xếp chồng. Ngoài các sự cố nhẹ như nhảy aptomat, họ còn phải lường trước những sự cố nguy hiểm đến tính mạng như cháy nổ, điện giật, phóng điện.
 
Còn với anh Nguyễn Công An, ngoài những lúc bận rộn với các cuộc gọi, anh không khỏi tâm tư về đứa con mới chào đời mà chưa có nhiều thời gian chăm bẵm. Trong mấy phút giải lao ngắn ngủi của ca trực tối, anh say sưa kể với đồng nghiệp về cô “công chúa” mới chào đời hai tháng. “Vợ chồng bị hiếm muộn đã nhiều năm chữa chạy. Nên có được đứa con này, cả nhà tôi mừng lắm”, anh cho biết.
 
Dù vậy, với tình hình thời tiết còn diễn biến nắng nóng phức tạp, anh cũng không nằm ngoài danh sách những nhân sự phải ứng trực toàn thời gian. Nhiệm vụ vẫn phải hoàn thành, nên anh phải gửi hai mẹ con về ông bà nội ở dưới quê.
 
Tuy vất vả và nhiều hiểm nguy, nhưng điều ấm lòng với anh Nguyễn Công An, anh Tô Sỹ Sơn hay tất cả những người công nhân ngành điện khác là nhiều người dân rất thông cảm với nghề nghiệp của họ.
 
Với anh Sơn, một kỷ niệm mà anh nhớ mãi là sự cố cáp ngầm khu nhà ở thấp tầng, khu đô thị Mỹ Đình Sông Đà cách đây vài năm. Khi thời tiết quá nóng, tiêu thụ điện quá tải nên dẫn đến tình trạng chập cháy. “Lần đó, người dân thấy anh em làm việc suốt đêm nên đã mang cháo, nước ra cho chúng tôi ăn uống lót dạ. Đang đói, mệt, được bát cháo ấm lòng tỉnh cả người nên các công nhân đã bảo nhau cố gắng khắc phục nhanh để có điện cho dân trước khi trời sáng”, anh kể lại.
 
Cũng giống anh Sơn, điều vun đắp cho lòng yêu nghề với anh Đinh Văn Tiến là niềm hạnh phúc nho nhỏ mỗi khi đưa điện trở lại cho các hộ gia đình. Hơn 20 năm làm công nhân ngành điện, anh vẫn không giấu được niềm vui mỗi lần giải quyết xong sự cố, mỗi lần người dân cảm ơn vì nhờ có điện chạy quạt máy điều hòa, những đứa trẻ lại ngủ ngon.
 
“Riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, chúng tôi có hơn 2 triệu khách hàng. Đảm bảo giấc ngủ ngon lành cho 2,4 triệu khách hàng, hộ gia đình này, đó là nhiệm vụ mà chúng tôi rất tự hào”, anh Đinh Văn Tiến nói.
Theo: VnExpress
Xem tin khác [Quay lại]
Thư viện hình ảnh
Văn phòng công ty
Bộ phận sản xuât
Kho cáp bọc
Hình ảnh nhà kho cáp nhôm
Hình ảnh nhà xưởng
Đối tác - Khách hàng

 

 

 

 



Thông tin hữu ích
Liên kết trang Tỷ giá ngoại tệ
(Nguồn: EXIMBANK) Thông tin thời tiết
Ảnh đẹp Hà Nội
Tháp rùa Hồ Gươm
Chùa Trấn Quốc
Hoa lộc vừng Hồ Gươm
Quốc tử giám