Tin trong ngành
Lộ trình xóa bỏ dần nhà máy điện nguyên tử của Hàn Quốc

 

Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định nối lại việc xây dựng hai nhà máy điện nguyên tử Sin Kori số 5 và 6 tại huyện Ulju, thành phố Ulsan căn cứ theo khuyến nghị của Ủy ban trưng cầu dân ý về việc dừng xây dựng nhà máy điện nguyên tử Sin Kori số 5 và 6.

 
 
 
 
Xóa bỏ dần các nhà máy điện nguyên tử
 
Tổng thống Moon Jae-in hôm 24/10 đã chủ trì cuộc họp nội các tại Phủ Tổng thống, công bố lộ trình xóa bỏ dần các nhà máy điện nguyên tử và các bước đi tiếp theo nhằm thực hiện khuyến nghị của Ủy ban trưng cầu dân ý và đối sách bổ sung. Theo lộ trình công bố, Chính phủ sẽ hủy bỏ kế hoạch xây dựng sáu nhà máy điện nguyên tử mới, gồm nhà máy Sin Hanul số 3 và 4, nhà máy Cheonji số 1 và 2, và hai nhà máy chưa đặt tên cũng như chưa quyết định địa điểm xây dựng. Chính phủ sẽ cấm gia hạn thời gian hoạt động đối với 14 nhà máy điện nguyên tử lâu đời sẽ hết thời hạn hoạt động vào năm 2038, cân nhắc về tính ổn định nguồn cung điện năng để đóng cửa sớm nhà máy Wolsong số 1. Song song với đó, Chính phủ sẽ siết chặt tiêu chuẩn về an toàn, thiết kế chịu động đất so với khi cho phép xây dựng những nhà máy điện nguyên tử trước đây, khiến việc gia hạn tuổi thọ của những nhà máy này trên thực tế là điều không thể.
 
Số nhà máy điện nguyên tử dự kiến sẽ gia tăng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in. Do việc xây dựng nhà máy Sin Kori số 5 và 6 được nối lại nên sẽ có tổng cộng năm nhà máy điện nguyên tử mới được hoàn công trong nhiệm kỳ của ông Moon. Nếu nhà máy Wolsong số 1 bị đóng cửa thì số lượng nhà máy điện nguyên tử trên cả nước sẽ tăng từ 24 nhà máy trong năm 2017 lên 28 nhà máy vào năm 2022. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo lộ trình vừa công bố, số lượng nhà máy điện nguyên tử sẽ giảm dần còn 18 nhà máy vào năm 2031 và 14 nhà máy vào năm 2038.
 
Chính sách sau này và vấn đề chi phí
 
Chính phủ tuyên bố sẽ phản ánh và xúc tiến một cách đầy đủ các biện pháp bổ sung căn cứ theo khuyến nghị của Ủy ban trưng cầu dân ý vào các chính sách sau này của Chính phủ. Các biện pháp này bao gồm tăng cường tiêu chuẩn an toàn về nhà máy điện nguyên tử, mở rộng đầu tư để nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo, phương án giải quyết vấn đề nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Liên quan tới chi phí trong quá trình thực hiện các biện pháp bổ sung này, Chính phủ sẽ tiến hành thảo luận giữa các cơ quan hữu quan và đệ trình lên Quốc hội, huy động nguồn tài chính nhàn rỗi, như từ các quỹ, hoặc lập căn cứ pháp lý nếu cần thiết. Điều này cho thấy Chính phủ đã chấp thuận một phần ý kiến từ giới doanh nghiệp điện nguyên tử. Các doanh nghiệp này cho rằng Chính phủ cần phải chịu một phần trách nhiệm về các chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách, và cần phải lập luật đặt biệt về vấn đề này.
 
Mặt khác, Chính phủ cũng sẽ tìm kiếm các đối sách bổ sung để giảm thiểu tác động tới các khu vực và ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng từ chính sách chuyển đổi năng lượng. Chính phủ sẽ xúc tiến phát triển công nghệ phá dỡ nhà máy điện nguyên tử, nghiên cứu phương án thành lập Viện nghiên cứu phá dỡ nhà máy điện nguyên tử để chiếm lĩnh sớm thị trường phá dỡ nhà máy điện nguyên tử nước ngoài, được cho là sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Ngoài ra, Chính phủ sẽ xúc tiến tổ chức các cuộc hội đàm thượng đỉnh, hội đàm cấp Bộ trưởng song phương với các nước Ả-rập Xê-út, Séc, Anh để tích cực hỗ trợ xuất khẩu nhà máy điện nguyên tử.
 
Ý nghĩa và triển vọng
 
Mặc dù Ủy ban trưng cầu dân ý đã kết luận về việc nối lại xây dựng nhà máy điện nguyên tử Sin Kori số 5 và 6, nhưng Chính phủ nhận định rằng người dân vẫn đang ủng hộ chính sách xóa bỏ dần các nhà máy điện nguyên tử, nên quyết định vẫn xúc tiến lộ trình trên căn cứ theo Kế hoạch điều hành quốc gia năm năm công bố trước đó.
 
Xóa bỏ dần các nhà máy điện nguyên tử là một xu thế mang tính thời đại trên toàn thế giới. Về điều này, phe đối lập và giới doanh nghiệp điện nguyên tử yêu cầu Chính phủ cần phải tiến hành trưng cầu dân ý về chính sách xóa bỏ dần các nhà máy điện nguyên tử. Giới doanh nghiệp điện nguyên tử và một số địa phương phản đối chính sách này do việc hủy bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy điện nguyên tử mới sẽ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng việc Chính phủ vừa xúc tiến xóa bỏ dần các nhà máy điện nguyên tử, vừa tích cực hỗ trợ xuất khẩu nhà máy điện nguyên tử là điều hết sức mâu thuẫn. Dự kiến những tranh cãi xoay quanh chính sách nhà máy điện nguyên tử của Chính phủ sẽ còn kéo dài.
Theo: KBS
Xem tin khác [Quay lại]
Thư viện hình ảnh
Văn phòng công ty
Bộ phận sản xuât
Kho cáp bọc
Hình ảnh nhà kho cáp nhôm
Hình ảnh nhà xưởng
Đối tác - Khách hàng

 

 

 

 



Thông tin hữu ích
Liên kết trang Tỷ giá ngoại tệ
(Nguồn: EXIMBANK) Thông tin thời tiết
Ảnh đẹp Hà Nội
Tháp rùa Hồ Gươm
Chùa Trấn Quốc
Hoa lộc vừng Hồ Gươm
Quốc tử giám