Tin trong ngành
Cơ hội phát triển điện mặt trời

 

“Hội thảo về phát triển điện mặt trời tại Việt Nam: những xu hướng gần đây và các vấn đề mới nổi” được Trung tâm năng lượng sạch và phát triển bền vững (Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội) phối hợp với Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam tổ chức.


 
Hội thảo nằm trong khuôn khổ của Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2017 đang diễn ra từ ngày 21-23/8 tại Hà Nội và từ ngày 24-25/8 tại Cần Thơ.

Theo các chuyên gia trong và ngoài nước, tiềm năng phát triển khả thi điện mặt trời ở Việt Nam là khá lớn. Việt Nam cũng đã xác định đây là nguồn năng lượng chính để phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để điện mặt trời có thể phát triển với quy mô công suất lớn, cần xây dựng cơ chế khuyến khích dài hơi để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. 
 
Nhìn vào các Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong các giai đoạn 4-5-6 cho thấy, Việt Nam đã quan tâm tới việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt, trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, việc phát triển điện gió và mặt trời được xây dựng với nhiều kỳ vọng sẽ giúp giảm đáng kể các nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch do có nhiều tiềm năng để khai thác. Theo Bà Hoàng Thu Hường (Ban Kinh tế Trung ương), việc ban hành cơ chế giá điện mặt trời (tại Quyết định số 11 của Chính phủ vào tháng 6 và có hiệu lực từ tháng 9/2017) cho thấy Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến nguồn năng lượng này.
 
Bản đồ tiềm năng điện mặt trời được nghiên cứu bởi sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB) cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách cũng như nhà đầu tư trên thế giới cho thấy, tài nguyên điện mặt trời của Việt Nam khá dồi dào, với nguồn bức xạ nhiệt vào khoảng 2056 kWh/m2/năm, kéo dài suốt từ dải đất miền Trung đến khu vực ĐBSCL. Song, ông Koos Neefjes - chuyên gia về biến đổi khí hậu (Thuộc Công ty TNHH Ý thức khí hậu) cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến việc đầu tư điện mặt trời, cho dù Việt Nam có khá nhiều cơ chế khuyến khích ưu đãi và đang rất cần phát triển thêm nhiều nguồn điện mới.
 
Dưới góc độ nghiên cứu của mình, ông Đỗ Đức Tưởng - đại diện Chương trình Năng lượng của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) lại đưa ra nhiều dẫn chứng về các dự án điện mặt trời rất lớn đã và đang được xây dựng tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 7/2017, đã có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư với tổng công suất nguồn lên tới 17.000MW. Trong đó, một số khu vực được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, như Ninh Thuận với khoảng 140 dự án, Bình Thuận 100 dự án, Đắc Lắc 13 dự án, Khánh Hòa 12 dự án v.v. Một số dự án lớn “nghìn MW” điện mặt trời cũng được liệt kê, như Tập đoàn Thiên Tân đầu tư hơn 2.000MW tại Ninh Thuận và Quảng Ngãi, Tập đoàn Xuân Cầu đầu tư khoảng 2.000MW ở Tây Ninh, Công ty Xuân Thiện đầu tư ở Đắc Lắc khoảng 2.000MW, Tập đoàn TH True-Milk  đầu tư khoảng 1000MW tại Đăc Lắc… và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư gần 20 dự án với tổng công suất đặt khoảng 2.000MW tại các tỉnh Khánh Hòa, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai… 
 
Ông Đỗ Đức Tưởng cũng chỉ ra rằng, theo Quy hoạch điện 7 (điều chỉnh), việc mong muốn có được 12.000MW vào năm 2030 rất có thể đạt được chứ không còn nằm ở tiềm năng (và mong muốn ban đầu khá khiêm tốn, chỉ khoảng 850MW vào năm 2020; 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000MW vào năm 2030). Tuy nhiên, muốn đạt được điều đó, ông Đỗ Đức Tưởng cho rằng, Việt Nam cần xây dựng các cơ chế ưu đãi mang tính lâu dài hơn để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
 
"Theo chúng tôi thì bản thân chính sách ưu đãi cho giá điện mặt trời vẫn còn đang rất ngắn hạn, nghĩa là chỉ có giá trị trong vòng 3 năm nữa, tức là đến năm 2019. Sau đó thì chúng ta vẫn chưa có một chiến lược cụ thể, rõ ràng, chi tiết là chúng ta sẽ làm gì ? Giá điện mặt trời của Việt Nam có tiếp tục được mua với giá như vậy nữa hay không hay là sẽ bị giảm nhiều ? Đây cũng là mối lo mà các nhà đầu tư lo ngại chia sẻ. Chúng tôi hy vọng là Chính phủ sẽ đưa ra chính sách mang tính dài hạn hơn nữa và làm sao để giảm, rút ngắn các thủ tục đăng ký cấp phép cho nhà đầu tư khi đến Việt Nam thì sẽ góp phần phát triển nhanh ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam hơn".
 
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Khánh - chuyên gia năng lượng tái tạo lại cho rằng, giới hạn 3 năm cho 1 chính sách về điện mặt trời không phải là quá ngắn bởi sự thay đổi về công nghệ kéo theo những thay đổi về giá và khả năng đầu tư. Thế giới cũng xây dựng chính sách như vậy và hợp với xu thế phát triển chứ không nhất thiết cứ phải ổn định ở khung giá cao… Nhiều chuyên gia cũng khẳng định, hiện nay ở nhiều nước trên thế giới, giá điện mặt trời chỉ còn khoảng 3cent/kWh, bằng 1/3 giá điện mặt trời mà Việt Nam đang ưu đãi, là cơ hội để Việt Nam phát triển nguồn điện này, góp phần giảm xây dựng các nhà máy nhiệt điện đốt than. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, khi đầu tư nhanh các nhà máy điện mặt trời công suất lớn đòi hỏi Việt Nam phải nghiên cứu đáp ứng nhanh việc nối lưới để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện. Việc phát triển các nguồn điện mặt trời quy mô nhỏ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ không còn là “điện sạch”, nếu việc tích trữ điện bằng pin, ac-quy không được kiểm soát rất dễ ảnh hưởng tới môi trường, như việc nhiễm độc chì hay a-xit từ các nguồn thải pin, ác-quy hỏng sau một thời gian sử dụng.
Nguyên Long/Icon.com.vn
Xem tin khác [Quay lại]
Thư viện hình ảnh
Văn phòng công ty
Bộ phận sản xuât
Kho cáp bọc
Hình ảnh nhà kho cáp nhôm
Hình ảnh nhà xưởng
Đối tác - Khách hàng

 

 

 

 



Thông tin hữu ích
Liên kết trang Tỷ giá ngoại tệ
(Nguồn: EXIMBANK) Thông tin thời tiết
Ảnh đẹp Hà Nội
Tháp rùa Hồ Gươm
Chùa Trấn Quốc
Hoa lộc vừng Hồ Gươm
Quốc tử giám