Tin xã hội
Thời tiết cực đoan, ngành Điện bị ảnh hưởng nặng nề

 Dự báo khô hạn sẽ kéo dài đến hết tháng 6, sau đó là thời kỳ mưa, bão trên diện rộng, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề là ngành Điện. Đó là khẳng định của ông Lê Thanh Hải – Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

 

PV: Từ cuối năm 2014 đến nay Việt Nam đang phải đối mặt với hạn hán nặng và hiện tượng xâm nhập mặn diễn ra trên diện rộng. Xin ông cho biết nguyên nhân dẫn đến tình hình thời tiết cực đoan như vậy?

Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng giám Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia

Ông Lê Thanh Hải: Hiện tượng thời tiết cực đoan thời gian qua có nguyên nhân chính là hiện tượng biến đổi khí hậu làm lượng mưa giảm. Năm 2015 nước ta đối mặt với El Nino kỷ lục chưa từng xảy ra trong vòng 60 năm qua.

Chính vì thế, Đồng bằng sông Cửu Long nước về thấp nhất kể từ năm 1926, kèm theo là xâm nhập mặn diễn ra trên diện rộng. Thêm vào đó, năm 2015 rất ít bão, gió mùa yếu, hầu như không có mưa. Vì vậy, các hồ chứa thủy điện thiếu nước nghiêm trọng. Trừ các tỉnh Bắc Bộ có lượng mưa ổn định, còn lại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam đều ít mưa gây hạn hán, xâm nhập mặn.

Phóng viên: Theo dự báo dài hạn, sau khi El Nino kết thúc sẽ tiếp tục là hiện tượng La Nina. Ông có thể giải thích bản chất của 2 hiện tượng này?

Ông Lê Thanh Hải: Đây là 2 hiện tượng có quy mô toàn cầu, do những khối nước chồi ở vùng Thái Bình Dương tạo nên. Có những khu vực nóng hơn so với trung bình (từ 0,5 độ trở lên) thì đấy là hiện tượng El Nino, còn nếu lạnh hơn so với trung bình (từ -0,5 độ trở xuống) là La Nina và ở giữa 2 khu vực là thời tiết trung tính. Chính vì thế, 2 hiện tượng này thường đi kèm với nhau. Ở Việt Nam chúng ta đã chứng kiến El Nino năm 1997-1998 gây hạn hán lớn sau đó La Nina gây mưa, bão nhiều hơn.

Theo dự báo mới nhất của chúng tôi, El Nino sẽ diễn ra đến giữa năm nay và ngày càng yếu sau đó đến thời kỳ trung tính và giai đoạn cuối năm là hiện tượng La Nina với xác suất 50-60%. Như vậy, năm nay nước ta vừa phải chống chọi với hạn hán nghiêm trọng trong những tháng đầu năm, đồng thời cuối năm có thể sẽ phải đối mặt với hiện tượng lũ lụt, mưa bão nghiêm trọng.

PV: Theo ông, hiện tượng này gây ảnh hưởng như thế nào đến ngành Điện?

Ông Lê Thanh Hải: Ngoài khu vực Bắc Bộ có hiện tượng mưa tương đối điều hòa, có cả mưa mùa đông, mưa mùa hè, lượng mưa được phân bổ  tương đối đồng đều. Còn các tỉnh Trung bộ, tình trạng thiếu hụt nguồn nước sẽ kéo dài cho đến tháng 8. Đối với khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ, mùa mưa sẽ đến muộn hơn so với nhiều năm.

Đối với ngành Điện, đặc biệt là các nhà máy thủy điện phải đối mặt với thiếu nước nghiêm trọng. Đến giai đoạn chính của mùa mưa (tháng 9 đến tháng 12), các nhà máy thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên, đặc biệt là các nhà máy thủy điện ven biển miền Trung mới giải tỏa được “cơn khát” này. Tuy nhiên, tình hình mưa bão cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ an toàn hồ đập và đặc biệt là hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối điện của EVN.

Công ty Điện lực Quảng Ninh khắc phục sự cố do bão gây ra năm 2014 - Ảnh Huyền Thương

PV: Vậy theo ông, EVN và các ban ngành liên quan nên làm gì để hạn chế ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan, đảm bảo an toàn hệ thống điện, cũng như an toàn cung cấp điện cho nhân dân?

Ông Lê Thanh Hải: Theo chúng tôi, thời tiết diễn biến cực đoan, con người rất ít có khả năng tác động vào. Có một số nước lớn có thể làm mưa nhân tạo, nhưng ở Việt Nam thì rất khó. Đối mặt với hiện tượng thời tiết cực đoan, chúng ta phải sử dụng nguồn nước một cách hợp lý, hoặc là trong thời điểm mưa nhiều, phải huy động hết các tổ máy phát điện, chuẩn bị sẵn sàng đón các trận lũ về để phát huy hết năng lực  của thủy điện.

Trong mùa mưa lũ, ngành Điện cần phải nâng cao tính chủ động, làm tốt công tác “phòng” trước khi “chống”, kể cả với mưa bão, lũ lụt hay hạn hán. Ngoài các kịch bản, phòng chống cụ thể, cần phải theo dõi thường xuyên, bám sát các dự báo gần của thời tiết để có những giải pháp ứng phó linh hoạt. Ngoài ra, sự phối hợp liên ngành là rất quan trọng và cần thiết. Theo tôi, các ban ngành liên quan và chính quyền địa phương các cấp cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp với các đơn vị ngành Điện, cùng nhau tìm các giải pháp ứng phó, giảm nhẹ tác động thiên tai, khắc phục nhanh chóng các sự cố xảy ra . 

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tại Diễn đàn “Nhận định tình hình El Nino năm 2016” diễn ra mới đây, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết:

- Hiện tượng ENSO (gồm El Nino và La Nina) đang yếu dần và trở về trạng thái trung tính, kết thúc một thời kỳ El Nino mạnh và kéo dài kỷ lục (2014 – 2016) trong 60 năm trở lại đây.

- Năm 2015:

+ Có 17 đợt nắng nóng trên toàn quốc. Nhiều đợt nắng nóng khốc liệt, kỷ lục ở Bắc và Trung bộ.

+ Hạn hán và xâm nhập mặn được đánh giá là nghiêm trọng nhất 100 năm qua, gây thiệt hại nặng nề ở các tỉnh miền Tây Nam bộ.

+ Tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt 20-50% so với trung bình nhiều năm.

 

Xem tin khác [Quay lại]
Thư viện hình ảnh
Văn phòng công ty
Bộ phận sản xuât
Kho cáp bọc
Hình ảnh nhà kho cáp nhôm
Hình ảnh nhà xưởng
Đối tác - Khách hàng

 

 

 

 



Thông tin hữu ích
Liên kết trang Tỷ giá ngoại tệ
(Nguồn: EXIMBANK) Thông tin thời tiết
Ảnh đẹp Hà Nội
Tháp rùa Hồ Gươm
Chùa Trấn Quốc
Hoa lộc vừng Hồ Gươm
Quốc tử giám