Tin trong ngành
Điều chỉnh giá điện giúp chủ động điều hành giá cả năm 2018

 

Sau nhiều cân nhắc, Chính phủ đã đồng ý tăng giá bán điện bình quân 6,08% từ ngày 1-12-2017.


Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Với mức tăng này, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Những tác động từ việc tăng giá điện là không thể tránh khỏi, nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời điểm điều chỉnh giá hiện nay vào thời điểm  đầu tháng 12 nên việc ảnh hưởng đến các chỉ tiêu và CPI và GDP là không đáng kể và trong năm 2017 vẫn đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát CPI bình quân 4%, đồng thời, có thể chủ động trong công tác điều hành giá cả năm 2018.
 
Tác động đến dân sinh
 
Theo Bộ Công Thương, việc điều chỉnh giá điện tăng bình quân 6,08% tác động đến các hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt như sau: Mức sử dụng điện 50 kWh sẽ tăng thêm 3.520 đồng; mức sử dụng điện 100 kWh tăng thêm 6.600 đồng; mức sử dụng điện 200 kWh tăng thêm 13.800 đồng; mức sử dụng điện 300 kWh tăng thêm 34.800 đồng và mức sử dụng điện 400 kWh tăng thêm 46.200 đồng.
 
Hiện nay toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang bán điện trực tiếp cho hơn 25,6 triệu khách hàng trong đó số lượng khách hàng sinh hoạt gần 23,5 triệu tương ứng với số hộ sử dụng điện gần 28,5 triệu hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt (nhiều hộ gia đình sử dụng chung công tơ). Với các hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt này thì có 3,9 triệu hộ sử dụng điện ở mức 50 kWh (chiếm tỷ lệ 13,74%); trên 9,26 triệu hộ có mức sử dụng điện từ 51kWh đến 100 kWh (chiếm tỷ lệ 32,50%); khoảng 9,2 triệu hộ có mức từ 101kWh đến 200 kWh ( chiếm tỷ lệ 32,35%); khoảng 3,34 triệu hộ có mức tiêu thụ điện từ 201 kWh đến 300 kWh là 1,28 triệu hộ (chiếm tỷ lệ 11,74%); các hộ tiêu thụ điện ở mức cao từ 301 kWh đến 400 kWh, chiếm tỷ lệ thấp là 4,5%, mức trên 401 kWh là 1,47 triệu hộ chiếm tỷ lệ 5,17%. Qua cơ cấu các hộ gia đình mua điện trực tiếp từ EVN có thể thấy các hộ gia đình chủ yếu tiêu thụ hiện ở mức dưới 200 kWh với số lượng hộ gần 22,4 triệu, chiếm tỷ lệ 78,6%, số lượng hộ gia đình sử dụng trên 300 kWh là trên 2,7 triệu hộ, chiếm chưa đến 10%.
 
Để công khai và minh bạch việc thực hiện này thì EVN đã chỉ đạo các Tổng Công ty Điện lực thành viên triển khai thực hiện chốt chỉ số công tơ theo Quy định tại Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29-5-2014 của Bộ Công Thương, theo đó, Điện lực sẽ thông báo chỉ số chốt đến khách hàng trong vòng 24 giờ theo hình thức thông báo được thỏa thuận trong Hợp đồng mua bán điện. Phần điện tiêu thụ theo giá cũ và giá mới được căn cứ trên chỉ số chốt của công tơ trong ngày 1-12-2017 được đảm bảo rõ ràng và minh bạch; đối với các khách hàng sinh hoạt, việc xác định phần điện tiêu thụ theo giá cũ, điện tiêu thụ theo giá mới được tính toán theo phương pháp nội suy dựa trên số ngày sử dụng điện, để hỗ trợ khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có thể tự tính toán được tiền điện của mình EVN đã cung cấp công cụ trên Website EVN tại chuyên mục “EVN& Khách hàng” để khách hàng có thể tự tính toán hóa đơn tiền điện với các thông số tính toán được lý giải một cách rõ ràng; 5 Trung tâm CSKH cung cấp dịch vụ khách hàng qua các kênh như Tổng đài CSKH; Website CSKH; SMS; Email kết hợp với hơn 900 phòng giao dịch thực hiện tiếp nhận và giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng sử dụng điện về các dịch vụ điện và giá điện.
 
... và sản xuất kinh doanh
 
 Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong chi phí sản xuất thép, tiêu thụ điện chiếm khoảng 7% trong cơ cấu thành giá. Mỗi tấn phôi thép cần khoảng từ 400 - 600kWh, việc tăng giá điện sẽ khiến chi phí sản xuất thép tăng thêm, trong khi thị trường thép đang cạnh tranh rất khốc liệt. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực cải tiến công nghệ sản xuất, đưa vào nhiều công nghệ mới, nhưng mức tiêu thụ điện năng trong ngành thép vẫn được đánh giá là khá cao.  
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc tăng giá điện cũng sẽ phần nào loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, công nghệ lạc hậu, gây hao tốn điện năng. Nếu doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, thì chi phí tiền điện sẽ chỉ khoảng từ 350 - 400 kWh/tấn, nhưng với công nghệ thấp, mức tiêu hao điện năng có thể tới 600 kWh/tấn. Hiệp hội Thép luôn khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành đổi mới công nghệ sản xuất và cắt giảm chi phí đầu vào hơn nữa để có thể tăng tính cạnh tranh.
 
Nhiều chuyên gia cho rằng, giá điện giữ ở mức thấp nhiều năm qua đã khiến đầu tư vào ngành thép và nhiều ngành nghề khác một cách tràn lan, trong khi đó, bản thân ngành điện lại không khuyến khích được đầu tư. Tình trạng này về lâu dài sẽ làm mất cân đối cung cầu về điện. 
 
Một doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng dệt may cho biết, chi phí tiền điện chiếm khoảng từ 12-15% trong giá thành sản phẩm của đơn vị.  Giá điện tăng chắc chắn chi phí sản xuất tăng, tác động đến giá hàng hóa. Trong trường hợp không thể tăng giá bán sản phẩm, doanh nghiệp phải tính toán để tránh làm vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, nếu để công nhân làm ca đêm để chọn thời gian thấp điểm, giá điện giảm để giảm chi phí tiền điện, lại phải bù tiền cho công nhân làm ca 3. 
 
Đánh giá về những tác động từ việc tăng giá điện đến DN, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: Việc tăng giá điện chắc chắn ảnh hưởng đến DN do chi phí sản xuất đầu vào tăng. Khi phát sinh bất cứ một khoản chi phí nào cũng đều ảnh hưởng đến lợi nhuận và kế hoạch kinh doanh ban đầu của DN. Vì vậy, biện pháp để giảm sản lượng tiêu thụ điện, các doanh nghiệp cũng như người dân cần triệt để tiết kiệm, khuyến khích đầu tư vào năng lượng điện tái tạo như: điện mặt trời, điện gió… đó là động cơ để khuyến khích tự sản xuất điện. Đây là xu thế mà trên thế giới đang áp dụng. Bên cạnh đó, trong sản xuất, các doanh nghiệp cần vận dụng công nghệ hiện đại để giảm bớt lượng điện tiêu thụ. 
 
Điều chỉnh tăng giá điện lần này theo đánh giá của Bộ Công Thương là thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và cũng là bước thực hiện lộ trình hướng đến cơ chế thị trường.
 
Thêm nữa, theo khuyến nghị của Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) đưa ra với Việt Nam trong Sách Trắng xuất bản năm 2014: “Giá điện cần tăng cao hơn nữa, bởi giá điện rẻ cản trở nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực phát điện do các nhà đầu tư vẫn ngần ngại vì giá mua quá thấp. Giá điện cũng cần phải theo cơ chế thị trường, có sự cạnh tranh của các nhà cung cấp”.
Thanh Mai/Icon.com.vn
Xem tin khác [Quay lại]
Thư viện hình ảnh
Văn phòng công ty
Bộ phận sản xuât
Kho cáp bọc
Hình ảnh nhà kho cáp nhôm
Hình ảnh nhà xưởng
Đối tác - Khách hàng

 

 

 

 



Thông tin hữu ích
Liên kết trang Tỷ giá ngoại tệ
(Nguồn: EXIMBANK) Thông tin thời tiết
Ảnh đẹp Hà Nội
Tháp rùa Hồ Gươm
Chùa Trấn Quốc
Hoa lộc vừng Hồ Gươm
Quốc tử giám