Tin trong ngành
Ứng dụng khoa học - công nghệ trong vận hành lưới điện truyền tải

 

Hưởng ứng chủ đề “Đẩy mạnh khoa học - công nghệ” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát động, xác định khoa học công nghệ (KHCN) là chìa khóa cho phát triển bền vững, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã nỗ lực triển khai, ứng dụng nhiều đề tài, giải pháp KHCN, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả vận hành, tăng độ ổn định, an toàn cho hệ thống lưới điện truyền tải (LĐTT).


Vận hành tại TBA 220kV Mỹ Phước (Bình Dương).
 
Ðiều khiển từ xa, định vị nhanh sự cố
 
Ði thực tế tại TBA 500kV Tân Ðịnh (Bình Dương) thuộc Truyền tải điện Miền Ðông 2, chúng tôi được chứng kiến nỗ lực hiện đại hoá công tác vận hành LÐTT của EVNNPT. Trưởng TBA 500kV Tân Ðịnh Nguyễn Tuấn Hải cho biết, là một trong những TBA lớn, nằm trên trục truyền tải bắc-nam, sản lượng truyền tải hằng năm tăng hơn 5%. Cuối 2016-2017, Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) tiến hành thiết lập Trung tâm điều khiển từ xa (TTÐKTX) tại trạm nhằm giám sát, vận hành các TBA 220kV Mỹ Phước, Uyên Hưng, Thuận An (đều thuộc Bình Dương) và Trảng Bàng (Tây Ninh) ngay tại TBA 500kV Tân Ðịnh. Việc đưa vào vận hành TTÐKTX, phối hợp các dữ liệu, ứng dụng KHCN để tích hợp và đưa vào vận hành TBA chỉ cần một nửa số lượng người trực (TBA bán người trực), tiến tới không người trực đã nâng cao hiệu quả rõ rệt trong vận hành. Tại TBA 220kV Mỹ Phước (Bình Dương), chúng tôi được lãnh đạo trạm cho biết, đến tháng 7-2016, TBA này đã giảm số người trực từ 11 xuống còn sáu người, năm nay, trạm rút các điều hành viên để thành lập trung tâm vận hành với nhiệm vụ chính là giám sát, vận hành các TBA, còn thao tác trạm chuyển giao cho Trung tâm điều độ hệ thống điện miền nam. PTC4 dự kiến chế độ bán người trực là 5-12, giai đoạn tiếp theo không người trực dự kiến sau đó bốn tháng.
 
Ðể phục vụ công tác vận hành hệ thống điện, xác định chính xác vị trí sự cố trên ÐZ, tạo điều kiện thuận lợi tìm kiếm, xử lý sự cố nhanh chóng và giảm các chi phí trong quá trình kiểm tra tuyến ÐZ sau sự cố, việc trang bị, lắp đặt các thiết bị định vị sự cố (ÐVSC) trên các cung đoạn ÐZ là hết sức cần thiết để sớm xác định chính xác điểm sự cố xảy ra, kịp thời khắc phục sự cố nhanh nhất và bảo đảm hệ thống được cung cấp điện an toàn, tin cậy; đồng thời cũng giúp tìm ra nguyên nhân gây sự cố, từ đó có những biện pháp xử lý, không để sự cố tương tự lặp lại. Hiện nay, tại Truyền tải Ðiện Miền Ðông 2 được trang bị thiết bị ÐVSC cho ba tuyến ÐZ gồm ÐZ 500kV Tân Ðịnh - Di Linh (175 km) và ÐZ 220kV Bình Long - Ðác Nông mạch 1 và 2 (128 km). Việc giám sát ÐZ đi qua vùng núi, hiểm trở như đầm lầy mất nhiều thời gian huy động nhân lực tìm ra sự cố. Nếu có thiết bị này sẽ tìm ra đoạn sự cố nhanh nhất, chính xác, giảm thấp nhất thời gian khắc phục, bảo đảm vận hành an toàn liên tục. Hệ thống ÐVSC này nằm trong gói đầu tư của toàn Tổng công ty với tổng trị giá 144 tỷ đồng cho 69 tuyến ÐZ 220 và 500kV, ưu tiên lắp cho ÐZ dài, đi qua địa hình phức tạp. Hiện nay, EVNNPT đang ứng dụng bản đồ vệ tinh, nhìn trên bản đồ này sẽ phát hiện được sự cố với sai số chỉ vài chục mét.
 
Các đơn vị như Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1), Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) đang tích cực ứng dụng flycam (thiết bị bay không người lái) để tăng cường giám sát, quản lý vận hành. Với đặc thù phải quản lý khối lượng lớn ÐZ truyền tải trải dài với nhiều địa hình phức tạp, bị chia cắt thành nhiều vùng từ rừng rậm, núi cao đến đồng bằng, sông, hồ..., qua đó giảm thời gian kiểm tra, hạn chế nguy hiểm, vất vả cho đội ngũ cán bộ, công nhân. PTC2 đang triển khai nghiên cứu đề tài KHCN cấp Tổng công ty: "Ứng dụng flycam trong công tác quản lý vận hành LÐTT". PTC2 đã phối hợp làm việc với Công ty TNHH MTV Trắc địa bản đồ (Bộ Tổng Tham mưu - Bộ Quốc phòng) lập đề cương chi tiết đề tài và trình EVNNPT phê duyệt. Công ty cũng đã kiến nghị và xúc tiến làm việc với Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) tạo điều kiện cấp phép bay flycam trong hành lang LÐTT.
 
Làm chủ công nghệ điều khiển hiện đại
 
Một trong những thành công nổi bật của EVNNPT thời gian gần đây là việc nghiên cứu, ứng dụng tự động hóa điều khiển TBA 500kV. Trước yêu cầu cấp bách vươn lên làm chủ KHCN, Tổng công ty đã tuyển chọn những kỹ sư giỏi ở các đơn vị để cử đi đào tạo ở hãng Siemens (Ðức). Các kỹ sư đã làm chủ phần việc phức tạp như lắp đặt thiết bị MBA 500kV và hệ thống điều khiển tích hợp Sicam-PAS là chuẩn mới nhất, tiên tiến nhất thế giới về điều khiển tự động do Siemens thiết lập, là hệ thống nhằm thay thế hệ thống điều khiển truyền thống (thao tác vận hành, đóng cắt trực tiếp tại các tủ thiết bị của TBA) sang điều khiển bằng máy tính, tiến tới TBA không người trực, xu hướng phát triển của lưới điện thông minh hiện nay. Mặc dù mới thành lập từ tháng 5-2017, nhưng mô hình Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện (NPTS) do EVNNPT thành lập trên cơ sở sắp xếp lại các bộ phận, đơn vị kỹ thuật bước đầu đã có những kết quả tích cực. Hiện, công ty có năm kỹ sư trẻ có chứng chỉ của Siemens.
 
Tại TBA 500kV Phố Nối (Hưng Yên), chúng tôi được chứng kiến các kỹ sư và công nhân hoàn thiện lắp đặt MBA 500kV-600MVA thứ hai. Kỹ sư Huỳnh Quang Thịnh ở Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật 3 thuộc NPTS cho biết, một gói dịch vụ lắp đặt và thiết lập hệ thống điều khiển Sicam-PAS ở TBA 500kV Phố Nối nếu thuê chuyên gia nước ngoài phải tốn ít nhất 4-5 tỷ đồng, chưa kể rất khó chủ động về thời gian. Trước TBA 500kV Phố Nối, các kỹ sư trong nhóm đã cài đặt và tích hợp thành công phần mềm điều khiển này tại các TBA 220kV Cà Mau, Sóc Trăng, Trảng Bàng, Bình Chánh; TBA 500kV Duyên Hải, Quảng Ninh.
 
Ðiều quan trọng là các kỹ sư đã chủ động cả việc xây dựng và thiết lập phần mềm tự động hóa điều khiển trạm, giảm chi phí đầu tư cho các công trình do EVNNPT, đồng thời là nhân tố quan trọng trong đào tạo, chuyển giao công nghệ cho các đơn vị. Kỹ sư Kiều Văn Minh, trưởng nhóm chia sẻ, so với TBA 220kV, TBA 500 kV có khối lượng thi công lớn hơn, phức tạp hơn nhiều về điều khiển, thiết kế, tầm quan trọng của hệ thống. Chỉ một sai sót ở bất cứ khâu nào sẽ ảnh hưởng toàn bộ hệ thống LÐTT cho nên chúng tôi phải chịu áp lực về chất lượng và tiến độ, có hôm làm việc từ sáng đến 12 giờ đêm, thậm chí xuyên đêm.
Thanh Tùng/Icon.com.vn
Xem tin khác [Quay lại]
Thư viện hình ảnh
Văn phòng công ty
Bộ phận sản xuât
Kho cáp bọc
Hình ảnh nhà kho cáp nhôm
Hình ảnh nhà xưởng
Đối tác - Khách hàng

 

 

 

 



Thông tin hữu ích
Liên kết trang Tỷ giá ngoại tệ
(Nguồn: EXIMBANK) Thông tin thời tiết
Ảnh đẹp Hà Nội
Tháp rùa Hồ Gươm
Chùa Trấn Quốc
Hoa lộc vừng Hồ Gươm
Quốc tử giám