Tin trong ngành
Cho dòng điện vươn xa

 Vượt qua biết bao khó khăn và thách thức của những ngày đầu mới chia tách, 19 năm qua, PC Quảng Nam đã trưởng thành cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo thời gian, lưới điện Quảng Nam đã không ngừng vươn xa, nối liền các thôn, bản miền núi đến hải đảo xa xôi.

 

  

Xây dựng nền tảng ban đầu

Trở lại thời điểm cách đây 19 năm, những ngày đầu mới chia tách đầy gian khó đối với nhiều CBCNV PC Quảng Nam là những kỷ niệm không thể nào quên. Ngày 1/4/1997 trở thành dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước đi đầu tiên của Điện lực Quảng Nam (nay là Công ty Điện lực Quảng Nam) trong việc cung cấp điện phục vụ tỉnh Quảng Nam vừa mới chia tách. Những ngày đầu cơ cấu bộ máy chưa ổn định, còn thiếu những cán bộ cốt cán; hệ thống lưới điện còn chắp vá, rời rạc, xuống cấp, tổn thất điện năng lớn. Toàn tỉnh lúc đó, chỉ có 01 trạm biến áp 110 kV, 8 trạm biến áp trung gian, 578 trạm biến áp phụ tải với lượng điện tiêu thụ 92 triệu kWh; nâng cao chất lượng điện năng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và yêu cầu tăng trưởng kinh tế xã hội đặt ra nhiều thách thức. Một số huyện miền núi và nhiều vùng nông thôn của tỉnh còn trắng điện, nếu tính theo huyện còn 6 huyện, tính theo xã còn 103 xã, tính theo hộ dân thì còn trên 17.6000 hộ (chiếm 36 %) chưa có điện. Khắp nơi đang cần điện, phát triển hệ thống điện trở thành yêu cầu bức thiết, là nỗi trăn trở lớn của những người làm điện Quảng Nam.

Trong bối cảnh đó, Điện lực Quảng Nam bắt tay vào xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức nhân sự để hình thành đơn vị, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Công cuộc kiến thiết hệ thống nguồn và lưới điện tại Quảng Nam đầy sôi động đã được khởi động. Nhiều dự án do ngành Điện và địa phương đầu tư như: OPEC1, OPEC2, RE2 hạ áp; ngành Điện cũng đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các dự án: RE1, Dự án cấp điện 10 xã Trà My-TắcPỏ, Dự án cấp điện Tơ Viêng (Tây Giang)…để đưa điện tận vùng sâu, vùng xa, đưa điện lên Cửa khẩu Đắc Ốc bán điện qua Lào, góp phần làm nghĩa vụ quốc tế.

Bên cạnh đó, nhờ vào sự quan tâm đầu tư của Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng công ty Điện lực miền Trung), các phương tiện vận tải, nhà làm việc, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh và công tác quản lý không ngừng được tăng cường. Từ đó những khó khăn dần dần được đẩy lùi, việc cung ứng điện được tăng cường, đáp ứng yêu cầu trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Diện mạo các vùng nông thôn cũng thay đổi, điện đã làm chuyển biến đáng kể sản xuất nông nghiệp, đánh thức tiềm năng các thành phần kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi cao của tỉnh.

Điện nối liền miền núi và hải đảo

Với những nền tảng vững chắc ban đầu, Công ty tiếp tục mở rộng đầu tư, đưa điện về nông thôn miền núi và hải đảo, triển khai tiếp nhận lưới điện hạ áp của 127 tổ chức kinh doanh điện nông thôn với hơn 2.000 km đường dây hạ áp và 170.000 công tơ. Sau khi tiếp nhận, Công ty đã tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện, đặc biệt đáp ứng được tiêu chí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh đã có 173/205 xã đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn; trong đó, có 51 xã được công nhận xã nông thôn mới. Nhờ đó, bộ mặt kinh tế nông thôn đã có những chuyển biến rõ nét, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3%.

Nhiều năm qua, điện phục vụ phát triển cho khu kinh tế mở Chu Lai, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhu cầu điện của từng nhà máy, dự án công nghiệp được đáp ứng kịp thời với chủ trương đưa điện đến chân hàng rào các nhà máy. Những khu vực kinh tế trọng điểm như: Khu kinh tế mở Chu Lai, các khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Thuận Yên và nhiều cụm công nghiệp được cung cấp điện ổn định. Tốc độ công nghiệp hoá của Quảng Nam có thể thấy rõ qua sản lượng điện năng tiêu thụ hàng năm. Đến nay, mỗi năm, Công ty cung cấp cho tỉnh trên 1 tỷ kWh điện, trong đó điện cho công nghiệp chiếm gần một nửa và tăng hơn 45 lần so với năm 1997.

Với những nỗ lực không ngừng, lưới điện Quảng Nam đã nối liền 241/244 xã, phường, thị trấn, thị trấn. Số hộ có điện cũng tăng lên đáng kể, nếu như năm 1997 nhiều khu vực nông thôn, miền núi còn trắng điện với 36% hộ chưa có điện thì đến nay chỉ còn 1,3%; hơn 85% đồng bào các dân tộc như Cơtu, Xơ đăng, Gié Triêng, Co…đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Công trình cung cấp điện từ Quảng Nam sang huyện Đắc Chưng tiếp tục duy trì để bồi đắp ngày càng bền chặt hơn tình hữu nghị giữa 2 nước Việt - Lào, giữa Sê Kông và Quảng Nam.

Hiện nay, PC Quảng Nam cùng ngành điện đang khẩn trương hoàn thành hai công trình có ý nghĩa quan trọng cấp điện cho xã miền núi Ch’Ơm (Tây Giang) và đảo Cù Lao Chàm (Hội An). Vượt núi, trèo đèo đưa điện lên non hay vượt sóng đưa điện ra biển lớn là những nhiệm vụ vô cùng khó khăn, vất vả phía trước mà mỗi CBCNV PC Quảng Nam đang cố gắng từng ngày để lưới điện nối liền 100% xã trên địa bàn, để mỗi người dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng nguồn điện lưới quốc gia. Đây chính là động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần rút ngắn dần khoảng cách còn khá nhiều “chông chênh” giữa miền núi và đồng bằng, giữa thành thị và nông thôn.

Nhiệm vụ phía trước còn khá nặng nề, nhưng chặng đường 19 năm qua với niềm tự hào về những thành quả đạt được, mỗi CBCNV sẽ tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp của các thế hệ trước, tiếp tục đoàn kết, lao động sáng tạo gặt hái những thành tựu mới, xây dựng quê hương Quảng Nam ngày càng giàu đẹp./.

Xem tin khác [Quay lại]
Thư viện hình ảnh
Văn phòng công ty
Bộ phận sản xuât
Kho cáp bọc
Hình ảnh nhà kho cáp nhôm
Hình ảnh nhà xưởng
Đối tác - Khách hàng

 

 

 

 



Thông tin hữu ích
Liên kết trang Tỷ giá ngoại tệ
(Nguồn: EXIMBANK) Thông tin thời tiết
Ảnh đẹp Hà Nội
Tháp rùa Hồ Gươm
Chùa Trấn Quốc
Hoa lộc vừng Hồ Gươm
Quốc tử giám